Hội KTSVN kiến nghị về nội dung TT 17/2016/TT-BXD | An Phú Long

Hội KTSVN kiến nghị về nội dung TT 17/2016/TT-BXD

Hội KTSVN kiến nghị về nội dung TT 17/2016/TT-BXD

Sau khi Thông tư 17/2016/TT-BXD được đưa vào áp dụng thực tế đã nhận được nhiều phản ứng từ giới Kiến trúc sư, ngày 23/03/2017 vừa qua Hội KTS Việt Nam đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến các chuyên gia tại Trụ sở 40 Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) và tiến hành tổng hợp ý kiến gửi Bộ Xây Dựng. Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Hội KTSVN đề nghị có một buổi đối thoại về Thông tư này.

 

Thời gian vừa qua Hội Kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) nhận được nhiều ý kiến của tập thể và cá nhân KTS thể hiện sự không đồng tình với một số nội dung của Thông tư 17/2016/TT-BXD – Hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.

 

Là tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, Hội KTSVN đã họp Hội đồng kiến trúc mở rộng ngày 23/03/2017 với sự tham gia của các KTS – lãnh đạo các Viện, các trường và các đơn vị tư vấn trực tiếp hành nghề kiến trúc để trao đổi về Thông tư số 17/2016/TT-BXD.

 

Sau khi tập hợp các ý kiến, Hội KTSVN báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng những nội dung chính như sau:

 

Ý kiến chung:

 

– Trước hết, Hội KTSVN nhận thức rõ là: Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp với quyết tâm minh bạch và tránh độc quyền trong quản lý nhà nước.

– Việc cụ thể hóa Nghi định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng bằng Thông tư 17/2016/TT-BXD về Hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, trong đó có kiến trúc.

Tuy nhiên, nội dung của một số điều trong Thông tư số 17/2016/TT-BXD và phương thức triển khai chưa phản ánh đầy đủ nội dung của Nghị định số59/2015/NĐ-CP, nhất là trong việc đánh giá năng lực của KTS không phù hợp với tính đặc thù của hoạt động kiến trúc, thậm chí làm phức tạp thêm nhiều vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong quá trình thực hiện và quan trọng hơn là cản trở họat động nghề nghiệp của KTS, ảnh hưởng đến sự phát triển có chất lượng của nền kiến trúc Việt Nam.

– Trong quá trình soạn thảo Thông tư 17/2016/TT-BXD, cơ quan soạn thảo đã không tham vấn ý kiến của các tổ chức nghề nghiệp có liên quan, trong đó có Hội KTSVN. Vì vậy nội dung của Thông tư 17/2016/TT-BXD còn nhiều thiếu sót.

 

Cụ thể:

 

– Để hạn chế khả năng có thể gây tiêu cực và đảm bảo tính minh bạch cần thiết, cơ quan ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BXDlàm nhiệm vụ quản lý có trách nhiệm giám sát thực hiện, không nên là cơ quan tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức sát hạch, đánh giá và cấp các chứng chỉ hành nghề và năng lực (Điều 5 và Điều 12).

– Qua thực tiễn ở nước ta cũng như kinh nghiệm của các nước, việc đánh giá năng lực và kinh nghiệm của ứng viên không thể do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện mà phải dựa vào các hội nghề nghiệp (Điều 6, Điều 7).

– Phương pháp sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề là không thích hợp đối với hành nghề kiến trúc, do không hiểu bản chất của hành nghề kiến trúc là đòi hỏi năng lực sáng tạo của KTS. Hơn nữa, bộ câu hỏi đang sử dụng không sát với (thậm chí làm méo mó) hành nghề kiến trúc và hoàn toàn không cho phép đánh giá đúng năng lực của từng loại KTS, như: KTS chủ nhiệm, chủ trì dự án và KTS thể hiện đồ án (Điều 8).

– Vấn đề đào tạo thường xuyên nhằm cập nhật kỹ năng và nâng cao kiến thức cũng như phương pháp đánh giá năng lực của ứng viên cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và tiến hành thận trọng, minh bạch.

– Thiếu lĩnh vực thiết kế nội thất, ngoại thất – một chuyên ngành đào tạo KTS (Điều 16, Mục 3)

– Chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài cần được cụ thể hóa theo pháp luật của Việt Nam để đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam giữa người Việt Nam và người nước ngoài (Điều 18).

 

Đọc toàn văn tại đây.

 

Theo kienviet.net