Chính thức thành lập thành phố Thủ Đức

Chính thức thành lập thành phố Thủ Đức

Sáng 31-12, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

 

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM cho lãnh đạo TP.HCM.

Ông Uông Chu Lưu cho biết thành lập TP Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM trong hội nhập quốc tế, và đề nghị TP.HCM sớm trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, ông Lưu cho rằng thành phố cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao, tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư.

 

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết bên cạnh các thành tựu phát triển TP.HCM trong thời gian qua, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã đánh giá thực tế tăng trưởng kinh tế bình quân TP giai đoạn 2011 –  2019 chỉ cao hơn bình quân cả nước 1,2 lần.

Điều này đặt ra hai nhiệm vụ cho phát triển lâu dài của TP: hoàn thiện cơ chế tài chính – ngân sách và tạo ra động lực mới cho tăng trưởng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Nhân, TP Thủ Đức đã có những tiền đề hạ tầng rất quan trọng để trở thành một đô thị sáng tạo tương tác cao, một trung tâm kinh tế 4.0 và theo quy hoạch sẽ triển khai tiếp các hạ tầng công nghệ và xã hội quan trọng mới.

“Với một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại như vậy, với thiết kế không gian đô thị hợp lý và quản lý thông minh, là thành phố thông minh tạo sự tương tác cao… thì TP Thủ Đức vừa là không gian sống xanh, không gian văn hóa dân tộc và quốc tế, vừa là không gian sáng tạo và sản xuất dịch vụ 4.0, một trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của Việt Nam và quốc tế”, ông Nhân nhấn mạnh.

 


“Vạn sự khởi đầu nan. Thành phố mới, gian nan, thách thức mới và cơ hội mới. TP Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên TP khẳng định, trưởng thành và cống hiến, xây dựng nên một TP hiện đại, TP văn hóa, TP hội nhập, TP đáng sống vào bậc nhất Việt Nam.”

Ông Nguyễn Thiện Nhân – ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

 

Ông Nhân cho rằng, trong nhiệm kỳ 14 của Quốc hội, Quốc hội đã có hai nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một nghị quyết tạo nên sự đột phá về thể chế phát triển của TP.HCM. 

Cụ thể là Nghị quyết 54 năm 2017 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết 131 năm 2020 về tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM và Nghị quyết 1111 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.

 

 

“Đây là sự đột phá về thể chế phát triển TP.HCM trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TP trong 25 năm tới, vì cả nước, cùng cả nước”, ông Nhân nói.

 

Tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo

 

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cốt lõi việc hình thành thành phố Thủ Đức là tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có. Đó là biến Đại học Quốc gia TP.HCM thành trung tâm công nghệ giáo dục; biến Khu công nghệ cao thành trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ. Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, trung tâm tài chính, trung tâm nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng hình thành tại đây.

 

 

Theo đó, Thành phố Thủ Đức sẽ xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 khu đô thị: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái – khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ – đô thị tương lai.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập phải “chuyển động”, người dân phải thấy cuộc sống của mình tốt hơn, đó là mục tiêu hàng đầu. Theo đó, về hạ tầng giao thông, cuối năm 2021 phải vận hành cho được tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 và triển khai tiếp các cầu khác từ Thủ Thiêm qua các quận. Đồng thời, thành phố Thủ Đức phải làm cho môi trường sống tốt hơn thông qua các chương trình như: nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch… Dự kiến 1 triệu cây xanh sẽ được trồng tại Thành phố Thủ Đức để biến nơi đây thành thành phố xanh, thân thiện môi trường.

 

 

Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Tất cả những việc trên sẽ thay đổi nhanh chóng diện mạo Thành phố Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

 

Hạn chế xáo trộn, miễn phí chuyển đổi giấy tờ cho người dân

 

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ khi công bố thành lập Thành phố Thủ Đức đến ngày 1.3.2021, các cơ quan hành chính vẫn hoạt động liên tục đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế, giao dịch, nhằm hạn chế tối đa sự xáo trộn.

Cụ thể theo UBND TP.HCM, sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức có hiệu lực (từ 1.1.2021), từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

 

 

 

Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính. Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.

 

 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để đảm bảo duy trì công việc, hoạt động hành chính và quyền lợi của người dân, chính quyền quận 2, quận 9, quận Thủ Đức tiếp tục duy trì hoạt động đến ngày 1.3 để giải quyết các phần việc còn tồn đọng.

“Nhiệm vụ đặt ra là phải tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sắp xếp bộ máy, bàn giao cơ sở theo nguyên tắc giữ nguyên trạng, không xây dựng mới mà sắp xếp tổ chức lại. Bởi có nhiều việc quan trọng hơn xây dựng mới cơ sở vật chất, trước tiên là đừng để người dân bị phiền hà vì đổi giấy tờ, vấn đề môi trường, an ninh, triển khai các dự án đầu tư” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường, hiện nay, những việc tồn đọng kéo dài cần tập trung giải quyết khi thành lập Thành phố Thủ Đức là việc triển khai thực hiện quy hoạch, hoàn thiện các dự án. Cụ thể là ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh; hoàn tất dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM tại phường Linh Trung, Linh Xuân; thực hiện quy hoạch khu công viên văn hóa thể dục thể thao – công viên cây xanh – hồ điều tiết tại phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh.

Các dự án kết nối giao thông đồng bộ tại quận cần tiếp tục triển khai như dự án Vành đai 2 từ ngã tư Gò Dưa đến nút giao thông Phạm Văn Đồng và từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Bình Thái, dự án Quốc lộ 13 cũ, nút giao thông ĐH Quốc gia.

“Các dự án này đang tác động đến hơn 5.000 hộ gia đình trên địa bàn quận. Việc hiện thực hóa quy hoạch giúp cải thiện cuộc sống người dân và thay đổi diện mạo khu vực này” – ông Cường nói.

 

 


Thành phố Thủ Đức có diện tích 211,56km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường. Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GRDP TP.HCM và 7% GDP cả nước.

 

Theo tuoitre.vn, laodong.vn, soha.vn