Sài Gòn bùng nổ các ‘siêu’ dự án

Sài Gòn bùng nổ các ‘siêu’ dự án

2 thập niên qua TP HCM chỉ có Phú Mỹ Hưng là khu đô thị lớn ra lò 13.000 sản phẩm nhà ở, thế nhưng hiện nay thị trường chứng kiến rất nhiều các tổ hợp dự án mới quy mô trên dưới 10.000 căn chào hàng từ vùng ven cho đến trung tâm.

 

Khảo sát của VnExpress, thị trường bất động sản Sài Gòn đang xuất hiện ngày càng nhiều những “siêu” dự án mới, được bung hàng số lượng lớn theo chiến dịch tung hàng trực diện chứ không nhỏ giọt theo kiểu truyền thống.

Nguồn cung các tổ hợp dự án này cao nhất trên 10.000 căn nhà và thấp nhất khoảng 3.000 sản phẩm. Lượng hàng hóa cho thấy quy mô nguồn cung hiện nay không thua kém gì với lượng hàng hóa của Phú Mỹ Hưng đã và đang tiêu thụ trong gần 20 năm qua.

Dẫn đầu về quy mô toàn thị trường là VinGroup chỉ với 2 dự án xuất hiện tại TP HCM là Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) và Vinhomes Golden River (quận 1) có nguồn cung trên 13.000 căn nhà. Đây là đại diện tiêu biểu cho mô hình “dội bom” trực diện, công bố, mở bán rầm rộ, xây dựng tốc độ rất nhanh, đa dạng sản phẩm và chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp, hạng sang với vị trí cận trung tâm.

Đứng thứ hai về quy mô trong danh sách các dự án khủng này là tổ hợp dự án River City có tổng cộng 8.000 sản phẩm tại quận 7, TP HCM. Dự án do liên minh Phát Đạt – An Gia – Creed Group đầu tư phát triển và đang rục rịch mở bán, thuộc phân khúc trung cấp. Đây cũng chính là khu đô thị ven sông có quy mô lớn nhất khu Nam Sài Gòn tính đến thời điểm tháng 5/2016.

Cũng tọa lạc tại quận 7, Tập đoàn Hoàn Cầu đang triển khai khu đô thị phức hợp Diamond City quy mô khoảng 6.000 sản phẩm nhà ở tại quận 7 nhắm đến phân khúc cao cấp. Nam Long, tuy nổi tiếng với phân khúc bất động sản giá rẻ, chuyên phát triển các dự án theo cụm quy mô nhỏ, nay cũng nuôi tham vọng mở rộng Ehome 3 thành một khu đô thị có quy mô lớn.

TP HCM đang xuất hiện rất nhiều dự án khu đô thị quy mô trên dưới 10.000 căn, một bước nhảy vọt về nguồn cung so với 2 thập niên qua. Ảnh: Lucas Nguyễn

Hai nhà phát triển bất động sản khác đang triển khai tổ hợp dự án, khu đô thị quy mô trên 3.000 căn trở lên thuộc khu Nam TP HCM gồm có: Năm Bảy Bảy và Tập đoàn Phú Long.

Ở phía Đông và Tây TP HCM, Novaland lần đầu tiên công bố 2 khu đô thị với quỹ đất xấp xỉ cả trăm hecta, trong đó dự án Habor City lớn nhất, tọa lạc trên khu đất rộng 60 hecta. Theo kế hoạch, nguồn cung của khu đô thị này lên đến hàng nghìn căn, số lượng sản phẩm lớn hơn các dự án mà doanh nghiệp từng triển khai trước đó.

Trong khi đó, tại Thủ Thiêm, các đô thị quy mô lớn đang trong quá trình chuẩn bị có thể lấn lướt phần còn lại của thị trường. Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập mới đây, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh khẳng định, đến cuối năm 2018 toàn bộ Khu đô thị Sala có tổng diện tích khoảng 106ha sẽ được hoàn thành. “Kể từ ngày bắt đầu mở bán sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2015, đến nay Công ty đã bán được 870 căn hộ cao cấp, 126 nhà ở kết hợp thương mại và 30 biệt thự, với tổng doanh số là 10.872 tỷ đồng”, ông Dương cho biết.

Tuy nhiên, theo giới phân tích bất động sản, hầu hết các dự án ở Thủ Thiêm cần thêm thời gian để xác định những nhà đầu tư chiến lược, nguồn vốn, các loại hình sản phẩm…, sau đó mới chính thức trình làng.

Nhận xét về hiện tượng ngày càng có nhiều dự án nhà ở quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay được công bố, chào hàng tại TP HCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh cho biết: “Đây là bước nhảy vọt của thị trường bất động sản so với 1-2 thập niên trước. Sự biến đổi về lượng và chất đã diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh quy mô của thị trường ngày càng phình to hơn”.

Ông Chánh đánh giá, điều đáng chú ý là những dự án không chỉ “khủng” về số lượng sản phẩm nhiều hơn gấp bội lần mà tiện ích, dịch vụ cũng ngày càng hiện đại, phong phú. Thương hiệu của nhà phát triển các siêu dự án này cũng được bảo chứng qua thời gian. Quy mô của các dự án lớn được chào bán đang phản ánh lợi thế cạnh tranh mới trên thị trường, đó là định vị lại các hình thức tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm khác biệt so với trước đây. “Xu hướng xuất hiện những siêu dự án mới tại TP HCM sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới”, ông dự báo.

Trả lời câu hỏi liệu thị trường địa ốc TP HCM có tiêu thụ nổi những “suất ăn đại công nghiệp”, cụ thể là những cụm nhà ở từ 3.000 đến 10.000 sản phẩm sẽ bán cho ai, bán hết trong bao lâu, ông Chánh cho rằng hãy để thị trường tự trả lời câu hỏi đó. Tất nhiên, một sân chơi lớn chộn rộn hơn sẽ vấp phải những băn khoăn bởi định kiến cũ, nhưng bài toán cung cầu luôn biến đổi theo từng thời kỳ và luôn phản ánh khách quan nhất.

So với thời kỳ khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời, gần 20 năm qua, thị trường đã có sự tích lũy và lớn mạnh không ngừng, đủ để bứt phá với những siêu dự án của chặng đường mới.

Ông phân tích, thị trường đã có sự tích lũy hoàn hảo về vốn, kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội hay sự lớn mạnh về quy mô nguồn cầu, khả năng chi trả, hệ thống phân phối, các hình thức marketing… Điều quan trọng nhất là quy mô thị trường không chỉ lớn lên mà còn mở rộng thêm nhờ các hiệp định thương mại, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cho phép người nước ngoài được mua nhà…

“Chúng ta hãy cùng chờ xem sức hấp thụ nhà ở của đô thị 10 triệu dân sẽ diễn biến ra sao. Tuy nhiên, có một thực tế ai cũng nhìn thấy là nhu cầu nhà ở của thành phố trẻ trung, năng động như TP HCM là rất lớn và đây vẫn là thị trường địa ốc tiềm năng nhất Việt Nam”, ông nói.

Theo vnexpress.net