Vật liệu tâm đắc của 6 KTS nổi tiếng
Vật liệu tâm đắc của 6 KTS nổi tiếng
Danh sách dưới đây kể tới 6 KTS nổi tiếng cùng với những vật liệu thường xuyên được họ sử dụng nhất. Từ bê tông được Oscar Niemeyer yêu thích tới gỗ được Kengo Kuma sử dụng sáng tạo, vật liệu nào góp phần định hình phong cách của những KTS nổi tiếng nhất?
Oscar Niemeyer + Bê tông
Matarazzo Pavilion. Ảnh © ArtExplorer / Flickr
Dù có không ít KTS ưa chuộng bê tông, nhưng dường như không ai sánh bằng Oscar Niemeyer về sự hiểu biết đối với tính thẩm mĩ và tiềm năng của bê tông. Điều này được thể hiện rõ qua những công trình như Nhà thờ Brasília hay Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York. Năm 1956, Neimeyer và Lúcio Costa bắt đầu sử dụng bê tông làm biểu tượng cho một thủ đô hiện đại Brasília tại Brazil. Bê tông là vật liệu được KTS gửi gắm kỳ vọng, và rồi những bề mặt bê tông trắng mịn sáng ngời góp phần định hình trái tim thành phố, cũng như Chủ nghĩa hiện đại Brazil. Với bê tông, KTS Niemeyer đã gây dựng nên một huyền thoại nổi trội hơn bất cứ KTS nào.
Alvar Aalto + Gạch
Nhà trải nghiệm Muuratsalo. Ảnh © Nico Saieh
Là một nhà thiết kế, nhà điêu khắc và họa sĩ, sự nghiệp của Alvar Aalto không chỉ là một kiến trúc sư điển hình. Qua những thiết kế của từng đồ đạc trong công trình của ông – kể cả đồ thủy tinh và đèn – công trình của Aalto thể hiện sự hiểu biết toàn diện về thiết kế, từ những chi tiết nhỏ nhất tới những yếu tố lớn nhất. Rất nhiều công trình của ông được xây nên từ gạch. Từ một ngôi nhà thử nghiệm ở Muuratsalo đến mặt tiền nguyên khối tại Đại học Jyvaskyla, KTS đã sắp xếp và uốn khối vật liệu kì công và tỉ mỉ tới từng chi tiết.
Zaha Hadid + Vật liệu tổng hợp
Heydar Aliyev Center. Ảnh © Iwan Baan
Kiến trúc của Zaha Hadid luôn đi đầu trong việc sử dụng các vật liệu mới để thể hiện hình học phức tạp trong thiết kế tham số. Mặc dù nhiều công trình nổi tiếng vì khiến bê tông trông như không trọng lượng, nhưng bên ngoài được bọc bởi những loại sợi tổng hợp khác nhau. Ví dụ như Trung tâm Heydar Aliyev ở Baku đã sử dụng polyme cốt sợi thuỷ tinh GFRP để tạo nên bề mặt uyển chuyển như nước chảy. Phòng trưng bày Sackler Serpentine ở London cũng sử dụng kỹ thuật tương tự, và vật liệu này còn được mở rộng sang thử nghiệm thiết kế siêu tàu.
Frank Gehry + Kim loại
Trung tâm Sức khỏe Não Lou Ruvo. Ảnh © Matthew Carbone
Nổi tiếng với Bảo tàng Guggenheim bọc kim loại ở ở Bilbao, KTS Frank Gehry đã sử dụng kim loại trong nhiều công trình khác của mình với từng kiểu dáng khác nhau. Từ bề mặt thép trơn bóng của Nhà biểu diễn nhạc Walt Disney tại Los Angeles tới Trung tâm Sức khỏe Não Lou Ruvo bằng thép, những công trình độc đáo của Gehry được phủ lên lớp kim loại bạc sáng ngời, nổi bật giữa không gian đô thị.
Kengo Kuma + Gỗ
Starbucks. Ảnh © Masao Nishikawa
Trong những năm gần đây, văn phòng kiến trúc Nhật Bản Kengo Kuma + Associates đã thiết kế nên những công trình gỗ đặc sắc nhất thế giới. “Thành phố văn hóa nghệ thuật” ở Pháp là ví dụ tiêu biểu thể hiện cách mặt tiền gỗ có thể thay đổi không gian bên trong – điều này cũng được thấy rõ trong Trung tâm Nghiên cứu Bảo tàng GC Prostho của Kuma tại Nhật. Tài năng biến những vật liệu nặng nề trở nên mềm mại và nhẹ nhàng của Kuma có lẽ là một không hai trong nghề.
SANAA + Kính
New Art Museum. Ảnh © Dean Kaufman
Công ty kiến trúc SANAA của Nhật Bản nổi tiếng với nghệ thuật chế tác kính điêu luyện vây quanh không gian thể tích mờ. Cảm giác về trọng lượng và trọng lực biến mất khi nhìn vào thiết kế Louvre Lens của SANAA: công trình sử dụng gương và chi tiết ẩn để biến kính thành vật hiệu duy nhất có thể thấy. Tương tự, Bảo tàng nghệ thuật đương đại New York cũng thể hiện sự kết hợp thông minh giữa kính, lưới nhôm anot và các bức tường sơn trắng, khiến công trình như nửa ẩn nửa hiện.
Nguồn: kienviet/Archdaily